Di tích lịch sử Đình làng Trọng Hậu - thôn Trọng Hậu xã Hoằng Quỳ đang được trùng tu tôn tạo

Đăng lúc: 00:00:00 13/11/2024 (GMT+7)

 

         

 

 

Di tích lịch sử Đình làng Trọng Hậu - thôn Trọng Hậu xã Hoằng Quỳ

đang được trùng tu tôn tạo

 

Thôn Trọng Hậu hiện có ngôi đình cổ được công nhận là di tích lịch sử VH cấp tỉnh năm 2014. Đình làng Trọng Hậu được xây dựng từ lâu đời với kết cấu gồm 5 gian với 6 vì kèo gỗ, là nơi thờ Thành hoàng làng Tướng quân Lê Phụng Hiểu – một danh tướng có công lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước dưới triều Nhà Lý, ông cũng là người có công lập ấp, dựng làng.

          Đình làng Trọng Hậu là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của làng vừa là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh, văn hoá tinh thần của dân làng, trong những năm chiến tranh Đình làng là nơi đưa tiễn con em làng lên đường nhập ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, là nơi để cất giữ vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm phục vụ những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cùng nhiều sự kiện quan trọng khác. Trong những năm tháng chiến tranh Đình là địa điểm để các đơn vị bộ đội cất giữ vũ khí, lương thực, thực phẩm, quân nhu, thuốc men phục vụ chiến đấu bảo vệ Cầu Tào, cầu Hàm Rồng, bến Phà 2 và các trận địa khác.

Trải qua những thăng trầm biến cố của thời gian, Đình vẫn được người dân Trọng Hậu giữ gìn, trùng tu, tôn tạo. Bên trong Đình vẫn còn bảo lưu được các đồ thờ như: hương án, ngai thờ, câu đối, bát hương, bức đại từ và một số đồ hiện vật khác.

Lễ hội Kỳ phúc ở thôn được tổ chức vào ngày 8/2 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ công lao của Tướng quân Lê Phụng Hiểu và cầu cho quốc thái dân an.

 

Đình làng Trọng Hậu sau khi được tu bổ

 Ông làm quan, phụng sự hai đời Hoàng Đế đầu triều nhà Lý là vua Lý Thái Tổ (1010 - 1028) và vua Lý Thái Tông (1028 - 1054). Ông là người có công rất lớn trong việc phò vua Lý Thái Tông tức Lý Phật Mã lên ngôi.

Lê Phụng Hiểu quê ở hương Băng Sơn, tổng Dương Sơn, huyện Cổ Đằng, lộ Thanh Hoá (nay thuộc xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Hiện không rõ năm sinh năm mất. Theo sử sách ghi lại được, ông thọ tới tuổi 77. Ngay từ thuở nhỏ, ông rất yêu thích và ham mê các môn võ thuật như: đấu quyền, múa kiếm, ném đao. Ông lớn lên nổi tiếng là người sức khỏe muôn địch, võ nghệ hơn người, là đô vật có tiếng với nghệ danh đô Bưng (Băng).

Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại câu chuyện kỳ thú về sức mạnh của ông. Bấy giờ, hai làng Cổ Bi và Đàm Xá nổ ra việc giành đất. Làng Đàm Xá cậy đông người đã chiếm hẳn doi đất màu mỡ mà lẽ ra phải thuộc về làng Cổ Bi. Lê Phụng Hiểu lúc đó chưa làm quan, đứng ra giúp làng Cổ Bi. Ông nói: “Một mình tôi có thể đánh được bọn họ”. Dân làng Cổ Bi rất mừng, liền bày ra nhiều mâm cỗ to để thiết đãi. Ông đủng đỉnh ăn hết rồi ngủ một giấc no say.

Chờ đến khi dân làng Đàm Xá đến tranh đất, Phụng Hiểu tỉnh dậy rồi cứ đứng thế xông ra giữa đám trai tráng làng Đàm Xá mà đánh. Ông xắn tay áo, nhổ những cây bên đường làm vũ khí. Sức khỏe của ông khiến cả làng Đàm Xá khiếp sợ, đành phải trả lại ruộng cho làng Cổ Bi. Từ đó, Đàm Xá không dám ỷ thế cậy đông mà chèn ép làng Cổ Bi nữa.

Bấy giờ, vua Lý Thái Tổ xuống chiếu, tuyển chọn những người có sức khỏe để sung vào đội quân túc vệ. Lê Phụng Hiểu trúng tuyển. Nhờ làm việc siêng năng, ông được khen ngợi và cất nhắc dần tới chức Vũ Vệ Tướng Quân, đứng ngang hàng với các tướng như Đàm Thận, Quách Thịnh, Lý Huyền Sư... 

Ngày mùng 3 tháng 3 năm Mậu Thìn (1028), sau khi vua Lý Thái Tổ vừa mất, chưa làm lễ táng, các hoàng tử Vũ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Đông Chính Vương không chấp nhận việc Thái tử Lý Phật Mã lên nối ngôi, đã đem quân đến vây thành để tranh ngôi của Thái tử.

   Thái tử Phật Mã biết là có biến, bèn sai người đóng hết các cửa điện, rồi bảo rằng: “Ta đối với anh em không phụ bạc chút nào. Nay ba vương làm việc bất nghĩa như thế, quên di mệnh của Tiên đế, muốn mưu chiếm ngôi báu, các khanh nghĩ thế nào?”. Các quan cùng xin Thái tử cho đem quân ra thành quyết được thua một trận.

Lê Phụng Hiểu cùng một số tướng khác như Lý Nhân Nghĩa, Dương Bình, Quách Thịnh... đưa quân ra ngăn chặn. Khi quân của Thái tử và quân của các vương giáp trận, Lê Phụng Hiểu đã rút gươm, hô to lên rằng: “Bọn Vũ Đức Vương ngấp nghé ngôi báu, không coi vua kế vị vào đâu, trên thì quên ơn Tiên đế, dưới thì trái nghĩa tôi con. Vì thế thần là Phụng Hiểu xin đem thanh gươm này để dâng”.

Dứt lời, Phụng Hiểu vung gươm chém chết Vũ Đức Vương. Quân của ba vương thấy thế, hốt hoảng rủ nhau tháo chạy. Phụng Hiểu quay ngựa về cung báo cho Thái tử Phật Mã biết. Phật Mã hết sức ca ngợi lòng trung dũng của ông, sau khi lên ngôi đã phong ông làm Đô thống Thượng tướng quân, tước Hầu.

   Năm 1044, quân Chiêm Thành sang xâm lược nước ta, Đô thống Lê Phụng Hiểu hộ giá nhà vua đi đánh giặc. Ông làm tướng tiên phong, lập công lớn, danh tiếng lừng lẫy. Khi chiến thắng trở về, nhà vua định công, phong thưởng. Xét thấy quyền lực, bạc vàng đều là phù du, ông liền nói với vua: “Thần không muốn thưởng tước, cũng không dám tham lam công khố, chỉ xin cho về ở núi Băng Sơn, ném dao lớn đi xa, dao rơi đến chỗ nào trong đất công thì xin ban cho làm sản nghiệp”.

Vua nghe theo. Phụng Hiểu lên núi, ném dao xa đến hơn mười dặm, rơi xuống thôn Đa Mi. Vua lấy số ruộng ấy ban cho, tha thóc thuế cho ruộng ném dao ấy.

Tục truyền rằng Phụng Hiểu vốn sức khỏe hơn người. Đứng trên núi Băng Sơn, con dao trong tay ông ném ra có thể bay qua cả kinh thành Thăng Long, nếu ông ném hết sức thì đất đai nhà vua sẽ là của ông cả. Từ đó, người vùng Thanh Hóa gọi ruộng thưởng công là “ruộng thác đao”.

Sau đó, ông còn nhiều lần cầm quân đi đánh giặc Chiêm Thành và đều chiến thắng mới trở về. Ông sống hết lòng trung thành với vua, biết điều gì có lợi cho dân cho nước đều bàn với vua. Sau khi ông mất (thọ 77 tuổi), nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ ông.

Đô thống Lê Phụng Hiểu - người có nhiều công lao với vương triều Lý. Tên tuổi và công trạng của ông không những được sử sách lưu danh, mà còn được dân gian truyền tụng. Nhiều làng xã ở xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh, nơi ông từng lưu lạc thuở nhỏ và đóng quân đánh giặc, đã thờ ông làm Thành hoàng, tiêu biểu là đền Hòa Đình. Hằng năm cứ đến mùng 6 tháng 2 (âm lịch) đền lại mở hội. Trong các trò chơi dân gian có tục thi vật để tưởng nhớ đến Đô thống Thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu.

Tiếp tục phát huy truyền thống của một vùng đât địa linh nhân kiệt và khơi dậy ý chí tự lực tự cường, thể theo nguyện vọng của nhân dân trong thôn và được sự đồng ý của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật tu bổ di tích Đình Trọng Hậu, hiện nay Đình Trọng Hậu đang từng bước thực hiện việc tu bổ theo phương thức giữ nguyên hiện trạng.

Đặng Thu Hương – CC Văn hóa XH

 

 

  
Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
250501