Đền thờ Đức Thánh Mẫu ở xã Hoằng Quỳ

Đăng lúc: 00:00:00 30/10/2024 (GMT+7)

 

Về với Hoằng Quỳ, ngoài sức hút của cảnh sắc thiên nhiên, du khách không thể bỏ qua Đền thờ Đức Thánh Mẫu (còn gọi là Phủ Bà) – trung tâm sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng độc đáo, nơi gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu trên mảnh đất Hoằng Quỳ nói riêng, xứ Thanh nói chung.  

    

Trong tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu còn ẩn chứa những giá trị văn hoá nghệ thuật rất phong phú. Đó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, đó còn là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các bức tranh thờ, nét nghệ thuật trang trí, kiến trúc..

          Tại làng Quỳ Chữ, xã Hoằng Quỳ, nơi có Đền thờ Đức Thánh Bà (còn gọi là Phủ Bà, Phủ Nhà Bà, Phủ Mẫu) thờ Đức Thánh Bà-vị âm- Phúc thần có thần tích là một trinh liệt nữ.  Bà có tên húy là cô Mè, giáng sinh vào họ Lê Đắc thôn Thịnh Quỳ Chữ thời Nguyễn Triều-Lê Mạt. Có Duê hiệu theo sắc phong là: "Thiên tiên cung công chúa, dực bảo trung hưng, linh phù trai tỉnh, trang huy, thượng đẳng, tôn thần". Bà thuở thiếu thời là một cô thôn nữ xuân sắc, nết na, nổi tiếng một vùng về đức, về tài, đủ mọi mặt: công, dung, ngôn, hạnh. Bà sớm biết cảm hiểu mẹ cha trong cuộc sống thanh bần, trong hoàn cảnh hiếm hoi, sớm biết đỡ dần trong cảnh gieo neo. Từ tấm bé, bà đã tỏ ra là một người con gái hiếu thảo đủ đường. Khác lối thường tình, Bà rắp rã một tấm lòng kiên trinh, hiếu hậu, trọn đời thờ cha, kính mẹ.Vào tuổi mười tám, đôi mươi, bà đã nổi tiếng khắp vùng về sắc, về tài hoa, về nết na đôn hậu. Nhưng khác biệt người, bà khước từ mọi chuyện cầu hôn, rắp ranh bắt sẻ, thích sống hồn nhiên, thanh thoát, ghét lối sống tục phàm, khăng khăng một mực, đã quyết thì làm nhất định không thay lòng, đổi dạ. Dù mẹ cha năn nỉ, xóm làng tỉ tê, tấm lòng trinh hiếu ở bà vẫn thuỷ chung như nhất. Tài sắc càng lừng danh; Bà càng treo giá ngọc. Và trong âm thầm, Bà quyết chọn một lối đi thoát tục. Một đêm lịch sử, một đêm huyền bí, linh thiêng đã đến, đêm 8
tháng 4, đêm Phật Đản. Bà đã lên Chùa Liên Hoa dự lễ Bụt sinh, mượn
thời cơ, mượn dải lụa đào, mượn cây đại trước cửa Thiền, tự ải, từ giã cõi phàm, vĩnh viễn đi vào cõi thiên thu cực lạc. Bà tịch tại đất chùa, đất Thánh vào đêm thiêng liêng đầy ước vọng: đêm 8-4, đêm Phật Đản. Sự tích của Bà là sự tích của một bậc tài hoa, trinh liệt, chí hiếu, siêu phàm, Phổ độ. Đức cao hiếu hậu của Bà đã để lại cho đương thời bao nỗi tiếc thương, cho hậu thế đời đời ngưỡng mộ. "Mối đùn quá nửa thi hài Bà" khi xóm làng tìm thấy, rồi bao nhiêu chuyện hiện linh, hiện hình, biển bóng, bao nhiêu lần bói ra khoa thấy, báo mộng thần dân, Phủ Bà đã được tôn tạo, từ ngôi miếu tranh đổi thành miếu ngói, từ tiểu từ trở thành phủ miếu tam cung tứ phủ, nguy nga tráng lệ, sớm hôm hương hoả phụng thờ. Trải qua nhiều triều đại, Bà đều có sắc phong.
           - Đời Thành Thái và Duy Tâm: Sắc phong Dực bảo Trung Hưng linh phù tôn thần.
          - Đời Bảo Đại thứ 13: Gia phong: Thiên Tiên Công chúa trai lệnh, thượng đẳng tônthần.
          - Đời Bảo Đại 14 Gia phong: Trang huy Thượng Đẳng tôn thần.
             Tập truyền còn kể: "Đã được giờ linh, đất linh sinh thánh". Bà
biến hoá thần thông, khi ẩn khi hiện, dưới gốc đại, trước tam quan, trẻ
già nhiều người thấy tận mắt". Bà báo mộng cho những kỳ hảo, khoa mục: Trong làng biết những tai ương trong làng để tránh. Bà báo mộng cho các chiến binh, người quê hương ngoài mặt trận biết đường tránh khỏi đạn lạc, tên bay. Chuyện kể lưu truyền còn nhiều, hư hư, thực thực, mờ mờ, ảo ảo. Tất cả đều muốn nói lên bà là một siêu nhân treo gương trinh liệt, hiếu nghĩa được nhân dân tôn sùng xưa nay thành tâm phụng tự.
Tập truyền cũng kể: Ngày xưa cũng có các vị khoa mục đã giải
thích nhiều về những điều hư hư, thực thực đầy sắc thái tâm linh huyền
bí (thường bị coi là mê tín, dị đoan để tránh những điều mê hoặc lòng
người, dối thánh thần làm điều vô nghĩa). Nhưng các cụ tiền bối cũng
không quên nhắc câu "Linh tại ngã, bất linh tại ngã". Tinh thần, danh
tích của các đấng tiên linh là đời đời còn mãi trong ý thức của dân lành.

        Phủ nhà Bà qua nhiều giai đoạn được dân làng tôn tạo ngày càng to đẹp
hơn. Miếu tranh đổi thành Phủ ngói, 3 gian, rồi thêm một tiền đường 5
gian rộng rãi, phủ ngói 3 gian trở thành chính ngự. Kiến trúc phủ miếu
kiểu chung phổ biến: 2 mái chảy, đơn giản hơn, rường cột bào trơn,
đóng bén, ít chạm trổ, nhưng được sơn, vẽ lộng lẫy. Vào khoảng những
năm Bảo Đại thứ 15, 16, phủ Nhà Bà được dân đặc cách tu tạo theo quy
mô rộng lớn và hoa mỹ. Một thiên hương 8 mái được tôn tạo làm trung
đường. Tiền đường cũ được đưa tiến lên phía trước. Từ đây phủ đã được
thiết lập theo hình thức tam cung: Cung đệ nhất, cung đệ nhị, cung đệ
tam (tiền đường). Cung đệ nhất còn gọi là nội tẩm (chính tẩm) là cung
cấm. Lễ đặc cách của tư nhân mới được mở cửa cung cấm. Tiền cung là
nơi hành lễ đại tế. Trung cung là nơi lễ cầu phúc, lễ chầu của các hội
thiện nam, tín nữ thập phương. Phủ Bà dần dà đã trở thành phủ mẫu
nguy nga, lộng lẫy, hội hè sùng bái linh đình.
           Nói về tuổi đền thì đền Bà được tôn tạo trong triều Nguyễn, đền
thượng đời Lê, Nghè Sen đời Lý-Trần. Buổi đầu một miếu tranh được
dựng lên trên gò, sườn phía Tây đền Thượng, núp dưới một rừng cây đại
thụ: lim, sến, đa, bàng, vải vượt ngọn cao hàng vài chục thước; dưới gốc
là những lùm gai, cây leo chằng chịt. Tập truyền nơi đây là nơi gần vị trí
Bà đã hoá trong đêm 8/4 âm lịch. Bên ngoài, rừng cây rợp bóng, hồ mái bờ Tây cá lội, tán vải quảđỏ rực mái đền khi mùa tu hú kêu báo ngày kỵ thánh, chim từng đàn hội tụ trên các ngọn đại thụ nâng vẻ sầm uất u linh của cảnh quan đây.


Không gian thờ tự trang trọng, linh thiêng phía trong đền Đức Thánh Mẫu

Mỗi năm, làng Quỳ Chữ  mở hội một lần vào ngày 06 -2 đến 08 – 2 âm lịch, kéo dài 3 ngày. Vào những ngày diễn ra lễ hội, nhân dân trong làng sẽ rước kiệu lên đền Đức Thánh Mẫu để rước Bà về Đình làng dự lễ hội. Lễ hội điễn ra sôi nổi, phong phú các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian như: cờ tướng, chọi gà, cơm thi cá giải…

Đền Đức Thánh Mẫu không chỉ là điểm tham quan, du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu. Hơn hết, đây là niềm tự hào, khẳng định thêm vai trò, vị thế của xứ Thanh trong dòng chảy văn hóa Việt.

                                          Đặng Thu Hương – CC văn hóa xã hội 
Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
250501