Đồng chí Nguyễn Đình Xứng – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa làm việc tại huyện Hoằng Hóa về các giải pháp khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Đăng lúc: 00:00:00 03/06/2019 (GMT+7)

Ngày 2/6/2019, đồng chí Nguyễn Đình Xứng – Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc tại huyện Hoằng Hóa về các giải pháp ngăn chặn và khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Đi cùng đoàn có Giám đốc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng một số sở, ngành liên quan.

Làm việc tại Hoằng Hoá, đoàn được nghe báo cáo của UBND huyện về tình hình dịch tả lợn Châu Phi và công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Đến ngày 1/6, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 75 hộ, 32 thôn thuộc 16/43 xã, thị trấn trên địa bàn huyện khiến việc quản lý và khoanh vùng dịch gặp nhiều khó khăn. Chỉ tính từ ngày 7/5 đến 1/6 – chỉ 24 ngày, sau khi xuất hiện bệnh dịch tại xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa đã phát sinh mới bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại 15 xã khác với 1.061 con lợn bị mắc bệnh, chiếm 2,5% tổng đàn, tổng trọng lượng lợn phải tiêu hủy lên tới 126.703,1 kg, có 75 hộ có lợn phải tiêu hủy, chiếm 3,5% số hộ nuôi lợn trong huyện. Như vậy, bắt đầu xuất hiện từ ngày 18/4/2019, đến 1/6, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã nhanh chóng lan mạnh sang các xã tại khắp các cụm trong huyện.

Để phòng chống và  khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi, UBND huyện Hoằng Hóa đã bán hành nhiều văn bản chỉ đạo. Đồng thời, cấp xuất hoá chất, vôi bột, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch với 13.238 lít hoá chất, 130 tấn vôi bột, 460 bộ quần áo, vật tư, 35 bình bơm hoá chất; Thành lập 55 chốt kiểm soát, 3 tổ kiểm soát cơ động kiểm dịch động vật, tổ chức tuần tra 24/24 giờ, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn không cho lợn được vận chuyển ra vào trên địa bàn huyện.

Đồng chí Nguyễn Đình Tuy - Phó Chủ tịch UBND huyện báo cáo tình hình dịch bệnh tả lợn Châu Phi tại huyện.jpg
Đồng chí Nguyễn Đình Tuy - Phó Chủ tịch UBND huyện báo cáo tình hình dịch bệnh tả lợn Châu Phi tại huyện

Các giải pháp tiếp theo được huyện triển khai: cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục quán triệt và thực hiện quyết liệt tình thần chỉ đạo chống dịch của trung ương, của tỉnh và của ngành nông nghiệp, thực hiện tổng hợp các biện pháp để khống chế, dập dịch, hạn chế thiệt hại; chỉ đạo các xã vùng dịch phun hoá chất tiêu độc khử trùng 1 lần 1 ngày đối với các trang trại, hộ chăn nuôi, chợ, cơ sở giết mổ gia súc, cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi kết hợp dải vôi bột lối ra vào trại, xung quanh trại, hộ chăn nuôi; Phổ biến triển khai các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Tại buổi làm việc, Giám đốc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục thú y tỉnh đã tham gia ý kiến đánh giá, làm rõ thêm tình hình dịch bệnh tả lợn Châu Phi trên địa bàn huyện. Trong đó, tập trung đưa ra các giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh dịch tả lợn Châu Phi, như: tại huyện có 2 đường quốc lộ chạy qua, có nhiều điểm thu gom giết mổ, vì vậy, phải tăng cường công tác kiểm soát; khuyến khích tiêu thụ đối với sản phẩm lợn đã qua kiểm dịch an toàn; cử cán bộ xuống từng địa bàn, xuống từng hộ, từng cơ sở giết mổ, từng khu vực chợ để tăng cường công tác chỉ đạo kiểm soát dịch bệnh.

Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh kết luận buổi làm việc.jpg
Đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh kết luận buổi làm việc

Làm việc tại UBND huyện, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, địa phương của huyện nghiêm túc thực hiện hiệu quả, triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn Châu Phi; Tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại các ngành, đơn vị, từ huyện đến các xã, thị trấn, xử lý nghiêm những trường hợp chưa làm hết trách nhiệm; Quan tâm chế độ cho các đồng chí thực hiện nhiệm vụ phòng chống, kiểm soát dịch;  Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh chủ trương: Phòng chống dịch như chống giặc, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này, trong đó, “phòng là chính, cơ sở là chính, người dân là chính”. Đối với các địa phương chưa bị dịch thì cần chủ động, tích cực hơn nữa, không đợi có dịch rồi mới chống. Nếu có dịch rồi thì cần ngăn chặn lây lan kịp thời theo chỉ đạo, hướng dẫn của các ngành cấp trên, đặc biệt phải bảo đảm vệ sinh môi trường. Theo đó, huyện cần thực hiện tiêu hủy triệt để số lượng lợn trong cùng một ô chuồng có lợn bị bệnh.; Tiếp tục phát huy chăn nuôi an toàn sinh học và thực hiện cách ly nghiêm túc; Tập trung giữ cho được các trang trại và gia trại lớn; vừa tăng cường phòng chống dịch vừa khuyến khích tiêu thụ nội bộ lợn sạch bệnh; Thực hiện tiêu độc khử trùng theo đúng hướng dẫn, tăng cường vôi bột và các loại hoá chất; tập trung quản lý giết mổ và tiêu thụ; Thực hiện giải ngân kịp thời cho những hộ dân có lợn bị tiêu hủy theo quy định của UBND tỉnh.

Thanh Qúy – Đài TT Hoằng Hóa

0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc
Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
250501