Đấu tranh phản bác các thông tin xấu, độc trên không gian mạng

Đăng lúc: 00:00:00 20/09/2023 (GMT+7)

 

         Xu hướng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dẫn đến sự hình thành xã hội thông tin mà biểu hiện của nó là sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội. Bất kể người dùng Internet nào hiện nay đều sở hữu cho mình hoặc tham gia vài tài khoản trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube, Intagram,… Những mạng xã hội này thu hút hàng chục triệu tài khoản tại Việt Nam, trong đó phần lớn là độ tuổi vị thành niên và người lao động. Đây là một kênh cung cấp, chia sẻ thông tin cực kỳ quan trọng của xã hội hiện đại. 

         Lợi ích tích cực mà mạng Internet đưa lại là điều không ai có thể phủ nhận và chúng ta vẫn đạng tận dụng điều đó hàng ngày. Tuy nhiên với quy luật vận động thì sự phát triển chóng mặt của mạng Internet cũng sẽ mang lại nhiều hệ lụy. Rõ ràng nhất hiện nay là sự gia tăng của những tin độc, tin giả, thông tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội. Những thông tin này không chỉ ảnh hưởng tới sự phát triển, hình thành nhân cách, đạo đức xã hội; xâm phạm đến danh dự, uy tín, lợi ích kinh tế của cá nhân, tổ chức mà nó còn gây nên những tác động tiêu cực trong dư luận xã hội, gia tăng tội phạm, mất trật tự an ninh xã hội; làm giảm uy tín của Nhân dân đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên và của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Có thể nói mạng xã hội đang là phương tiện nguy hiểm nhất, với đặc tính lan truyền nhanh,  có khả năng mở rộng phạm vi tác động, vượt qua rào cản ngôn ngữ, khoảng cách địa lý, gây tác hại trên diện rộng hơn bất cứ hình thức chống phá nào khác của các thế lực thù địch.

         Nhận diện thông tin xấu, độc

         Về nội dung và bản chất, có thể nhận diện thông tin xấu, độc tán phát trên Internet và mạng xã hội là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch. Đó là các dạng thông tin có nội dung không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục như: kích động bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống, tin đồn thất thiệt, thông tin nhảm nhí, rùng rợn…; thông tin cổ vũ, lôi kéo tham gia vào các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, lô đề, cờ bạc, cá độ, vay nặng lãi, tham gia vào các hội kín, nhóm kín trên mạng xã hội dẫn đến vi phạm kỷ luật, pháp luật; thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm tin học như: lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, tán phát virus…

         Bên cạnh đó là những thông tin sai trái, độc hại có tính chất chính trị, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch, kích động nhân dân… Về thủ đoạn tán phát thông tin xấu, độc thì các đối tượng lợi dụng các trang mạng lớn trên thế giới như Google, Facebook, kênh Youtube làm công cụ phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt. Nguồn phát chủ yếu từ một số tổ chức, cá nhân phản động ở nước ngoài hướng vào trong nước. Không chỉ tung tin xấu độc trên 3 nền tảng Facebook, YouTube, TikTok, có nhiều sự kiện với mục đích thông tin nhanh hơn nên các đối tượng sử dụng tính năng livestream.

Chiêu thức của các thế lực thù địch sản xuất tin xấu, độc phát tán trên không gian mạng là “3 phần thực, 7 phần hư cấu". Các đối tượng lấy hình ảnh hoạt động từ báo chí chính thống rồi cắt ghép, xào nấu, thêm thắt, xuyên tạc, bịa đặt, cài cắm thêm nhiều tin giả. Để phát tán thông tin xấu, độc lên không gian mạng, những tổ chức, cá nhân phản động thực hiện dưới 3 thủ đoạn.

Một là, dùng tài khoản mạo danh - lập ra những tài khoản mang tên các lãnh đạo cấp cao hoặc các cơ quan ban ngành như Ban Tuyên giáo Trung ương, VTV, Bộ Y tế, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an…

Đây là những cơ quan thường phát đi những thông tin quan trọng, được dư luận quan tâm. Việc mạo danh này khiến nhiều người lầm tưởng.

Hai là, lập các tài khoản lấy tên giống như cơ quan báo chí (Tintức Việtnam, Tintức 24h, Tin Chính trị Việt nam… ) hoặc các tổ chức (Nhật ký yêu nước, Con đường VN…) gây nhầm tưởng là cơ quan báo chí hoặc tổ chức yêu nước.

Ba là, dùng tài khoản chính danh như Tổ chức Việt Tân, RFA, Thoibao.de…

Đây là những thủ đoạn đã xuất hiện trên không gian mạng trong thời gian qua. Gần đây các nhóm, các đối tượng thù địch sản xuất theo mức độ, tốc độ chuyên nghiệp và nhanh chóng hơn. Rà soát của cơ quan chức năng cho thấy, tần suất những clip này xuất hiện nhanh hơn, nội dung cũng được đầu tư hơn dựa trên nguyên tắc bắt đầu từ một thông tin có thật sau đó cắt ghép, cài cắm thêm những tình tiết không xác thực nhưng liền mạch khiến cho cán bộ, đảng viên và người dân dễ bị lầm tưởng. 

         Gỡ bỏ nhiều tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức

         Thời gian qua Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm. Tỷ lệ chặn, gỡ trung bình hiện nay đạt trên 93%.

         Trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em như Hội những người vỡ nợ thích làm liều, Hội những người muốn tự tử, Hội đồng phê... Cơ quan chức năng đã phát hiện và ngăn chặn 2.500 link vi phạm pháp luật trên các nền tảng Facebook, YouTube, TikTok; yêu cầu gỡ bỏ 12 kênh video phản động chống phá Đảng, Nhà nước.

         Ngoài ra, đã gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức. YouTube đã ngăn chặn 6 kênh YouTube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (với khoảng hơn 1.500 video clip).

         Thực tế chúng ta đã có hệ thống pháp luật điều chỉnh và xử lý những hành vi này khá đầy đủ từ Hiến pháp đến Bộ luật Dân sự, Bộ luật hình sự, Luật An ninh mạng, Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013; Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020,.. và gần đây cũng đã có rất nhiều trường hợp vi phạm bị xử lý. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thể loại bỏ triệt để được những thông tin này trên môi trường mạng.

         Nguyên nhân và giải pháp phòng chống

         Nguyên nhân của tình trạng này có thể kể đến như: tính chất đặc biệt của mạng Internet dễ lan truyền, chia sẻ thông tin, tiếp cận được nhiều người dùng mạng xã hội, dễ “ẩn danh”, xóa dấu vết; hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao chưa theo kịp diễn biến tình hình thực tế; tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, am hiểu công nghệ; sự thiếu hiểu biết, nhận thức hạn chế của người dùng mạng xã hội dễ tiếp tay, lan truyền, phát tán thông tin; năng lực nhận biết, phân loại, đánh giá tác hại của các sản phẩm văn hóa xấu độc còn chưa cao, đặc biệt là việc cập nhật, nhận biết các thông tin sai trái trên mạng xã hội; công tác điều tra, phát hiện, xử lý tội phạm cũng còn gặp nhiều khó khăn…

         Để phòng, chống thông tin xấu độc trên mạng xã hội cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

         - Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, định hướng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về những thông tin xấu độc trên mạng xã hội; khuyến khích xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong cơ quan, đơn vị, trường học, tổ chức, doanh nghiệp để dần hình thành “miễn dịch tâm lý” đối với tin đồn trong nhân dân bằng một nền tảng tri thức đủ sức đề kháng với mọi loại tin đồn độc hại, thất thiệt, sai sự thật.

         - Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp trong phòng, chống thông tin xấu độc trên mạng xã hội; Các bộ, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý Internet; Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm khắc các sai phạm trên mạng xã hội.

         - Quan tâm hơn nữa đến loại tội phạm công nghệ cao trong tình hình mới bằng các hoạt động triển khai ứng dụng công nghệ, thiết lập hệ thống phòng vệ để chủ động và nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm; kịp thời trang bị các phần mềm, phương tiện kỹ thuật chuyên dụng phục vụ công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trong đó, cần tập trung nghiên cứu bổ sung kịp thời các chế định về các hành vi tội phạm, chứng cứ, các biện pháp ngăn chặn... trong Bộ luật Hình sự, Bộ  Luật Tố tụng hình sự, Luật Giao dịch điện tử, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh Thương mại điện tử,... phù hợp với đặc thù và yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này. Nghiên cứu triển khai áp dụng hình thức “tuần tra trên mạng” bằng việc phân công cán bộ trinh sát công nghệ thông tin thường xuyên truy cập vào các trang mạng, thâm nhập vào các diễn đàn công nghệ thông tin, nhất là các diễn đàn của giới tội phạm mạng sử dụng công nghệ cao để chủ động nắm thông tin, tìm hiểu phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, các công cụ, phương tiện do các đối tượng phạm tội sử dụng. Tiếp tục thực hiện hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

         - Các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh việc xây dựng, triển khai và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, sử dụng chứng minh thư nhân dân điện tử để quản lý thông tin và người sử dụng trên Internet.

         - Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình Trung ương, các địa phương, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, toàn diện, kịp thời cho người dân. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật, cảnh báo các hành vi vi phạm pháp luật; chỉ rõ những thủ đoạn, nội dung thông tin giả mạo, tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội. Qua đó, giúp người dùng am hiểu pháp luật, tránh những hành vi vi phạm cũng như nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin giả mạo, biết tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, “miễn dịch” với những thông tin giả mạo làm nhiễu loạn môi trường xã hội.

         - Đặc biệt, với mỗi người dân, nhất là giới trẻ cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết trong việc chọn lọc, nhận diện thông tin; kỹ năng công nghệ-thông tin để chặn, lọc, xóa, báo xấu,…các thông tin độc hại khi phát hiện, không để thông tin đó lan truyền; nắm vững và tuân thủ các quy định pháp luật và quy tắc ứng xử văn hóa trên môi trường mạng xã hội; rèn luyện tư duy biện chứng, tư duy phản biện khi tiếp xúc với các thông tin trên mạng xã hội để xem xét sự vật, hiện tượng một cách khách quan đa chiều, nhìn thấu được bản chất ẩn giấu sau hiện tượng bề ngoài, mục đích sâu sa ẩn đằng sau những ngôn ngữ, hình ảnh; thường xuyên cập nhật kiến thức xã hội để nâng cao “sức đề kháng” trước những thông tin xấu, độc, sai trái, không dễ bị mắc lừa, dụ dỗ. Mỗi người dân phải cảnh giác và sẵn sàng tham gia đấu tranh với những thông tin sai trái, nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các thông tin sai trái, thù địch, trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, không vô tình tiếp tay cho hành vi sai trái; phát hiện, tố giác các thông tin độc, hại với cơ quan chức năng.

         Không thể phủ nhận mạng xã hội là một thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, tạo thêm không gian để chia sẻ, trao đổi thông tin và kết nối, hợp tác trên phạm vi toàn cầu, là kênh thông tin quan trọng và hữu ích. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, chúng ta cần phải nhận diện đúng những thông tin xấu, độc khi tiếp cận nhằm phát huy những mặt tích cực, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, góp phần ổn định chính trị xã hội của đất nước và xây dựng một môi trường sống an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta./.

                                                                                                 Nguồn Internet 
Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
250501